Quảng Nam và Đà Nẵng dự kiến sáp nhập

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh về kế hoạch sẽ sáp nhập Quảng Nam với Đà Nẵng, đồng thời yêu cầu định hướng phát triển khu vực Đà Nẵng - Quảng Nam mới trở thành một trung tâm kinh tế quan trọng của cả nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ tỉnh Quảng Nam - Ảnh: VGP/Minh Trang

Vào chiều ngày 29/3, tại TP. Đà Nẵng, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng đoàn công tác Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam. Cuộc họp tập trung đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII cũng như các nghị quyết của Đảng bộ hai địa phương trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đối với Quảng Nam và Đà Nẵng, trong lịch sử, hai địa phương vốn là một nên việc hợp nhất hai địa phương cũng phù hợp nhằm mở rộng không gian phát triển, cùng nhau tạo ra sức mạnh phát triển mới. 

Hội nghị này nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đề xuất, kiến nghị của hai địa phương để sau khi Trung ương có quyết định chính thức, quá trình triển khai sáp nhập sẽ được thuận lợi, thống nhất.

Đà Nẵng dự kiến có 12 phường, xã và 1 đặc khu

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ Thành phố; báo cáo về việc triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW; Nghị quyết số 57-NQ-TW ngày 22/12//2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Theo đó, Thành phố đã chủ động với quyết tâm cao, kiên trì, nỗ lực tham mưu và được Trung ương quan tâm ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội tạo nền tảng, tạo đồng lực cho sự phát triển nhanh và bền vững của Thành phố.

Về kinh tế, GRDP giai đoạn 2012-2025 ước tăng 6,8%/năm; dự kiến quý I/2025 tăng trưởng trên 11%; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) năm 2025 ước đạt 5007 USD. 

Thành phố đã triển khai các chương trình an sinh xã hội nhân văn, vượt trội, riêng có như: Trợ cấp hằng tháng cho người cao tuổi từ 75 tuổi đến 80 tuổi; chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế; miễn hoàn toàn học phí cho trẻ em mầm non, học sinh các cấp… Năm 2025, Đà Nẵng phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 10%.

Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp được chủ động triển khai sớm, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo yêu cầu đề ra. 

Việc xây dựng văn kiện đại hội bám sát và cập nhật thường xuyên các chủ trương lớn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, nhất là quan điểm chỉ đạo mới của Tổng Bí thư Tô Lâm gắn với đặc thù riêng của Thành phố.

Về triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW được thực hiện nghiêm túc, kịp thời, phù hợp với Thành phố. Thành phố đã báo cáo phương án sắp xếp các đơn vị hành chính phường, xã, không tổ chức chính quyền cấp huyện. 

Theo đó, dự kiến Thành phố có 12 phường, xã và 1 đặc khu (Hoàng Sa), giảm 75% đầu mối. 

Đồng thời, Đà Nẵng cũng làm tốt công tác tư tưởng và chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng, qua đó tạo được sự đồng thuận cao trong quá trình tổ chức thực hiện.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề xuất, kiến nghị Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho chủ trương triển khai một số nội dung nhằm tạo cơ chế, động lực tiếp tục phát triển thành phố Đà Nẵng thời gian tới.

Về việc sáp nhập tỉnh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị Bộ Chính trị cho phép thành phố Đà Nẵng (sau khi hợp nhất với tỉnh Quảng Nam thành đơn vị hành chính mới) được tiếp tục kế thừa toàn bộ định hướng phát triển theo Kết luận số 79-KL/TW ngày 13/5/2024 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 136/202 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố. 

Các quy hoạch được phê duyệt giữa hai địa phương tiếp tục được thực hiện và vừa làm, vừa điều chỉnh phù hợp với định hướng, quy mô mới.

Ngoài ra, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề xuất một số cơ chế, chính sách liên quan đến xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại Việt Nam; cho phép Thành phố lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án lấn biển tại Vịnh Đà Nẵng để hình thành một đô thị mới với các chức năng của khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế; xây dựng tuyến đường sắt đô thị…

Quảng Nam kiến nghị đầu tư một khu đô thị mới với tổng diện tích 15.000 ha

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết đã báo cáo một số kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình trả lời một số kiến nghị, đề xuất của lãnh đạo hai địa phương - Ảnh: VGP/Minh Trang

Về kinh tế, giai đoạn 2020 - 2025, GRDP (giá so sánh 2010) tăng trưởng bình quân khoảng 4,6%/năm; tổng thu ngân sách nhà nước tỉnh hơn 134 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 2,0%/năm, trong đó thu nội địa tăng khoảng 2,8%/năm. 

Quy mô nền kinh tế (giá hiện hành) năm 2025 ước tính đạt hơn 147 nghìn tỷ đồng, tăng 48,6 nghìn tỷ đồng so với năm 2020. GRDP bình quân đầu người năm 2025 khoảng 96 triệu đồng, tăng 30 triệu đồng so với năm 2020. Đến cuối năm 2024, tỉ lệ hộ nghèo còn 4,56%...

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết nêu những đề xuất, kiến nghị khi sáp nhập 2 địa phương - Ảnh: VGP/Minh Trang

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam kiến nghị Trung ương cho phép xây dựng Đề án phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai trong giai đoạn mới có phạm vi diện tích mở rộng đến bờ Nam sông Thu Bồn (bao gồm hệ sinh thái kinh tế và đô thị sân bay Chu Lai kết hợp với cảng biển Chu Lai). 

Địa phương được tiên phong, thử nghiệm các cơ chế đột phá, vượt trội để đảm bảo thu hút các nhà đầu tư lớn trong nước và nước ngoài có thương hiệu mạnh vào phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, du lịch, dịch vụ, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái biển; các dự án nông nghiệp công nghệ cao; được áp dụng chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược thực hiện dự án theo cơ chế tương tự NQ136/2024/QH15 đang áp dụng cho thành phố Đà Nẵng.

Về phát triển không gian đô thị sau khi sáp nhập, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đề nghị Trung ương thống nhất chủ trương cho đầu tư một khu đô thị mới thông minh, hiện đại với tổng diện tích khoảng 15.000 ha, thuộc vùng Đông huyện Duy Xuyên và huyện Thăng Bình, là đô thị trọng điểm của khu vực. 

Thống nhất chủ trương cho đầu tư tuyến đường sắt đô thị từ thành phố Đà Nẵng vào Hội An, Thăng Bình, Tam Kỳ, Chu Lai để tạo điều kiện kết nối phát triển khu vực phía nam của tỉnh Quảng Nam.

Hiện nay, Quảng Nam có 6 huyện miền núi cao, 71 xã nghèo (trong đó có 14 xã biên giới giáp với huyện Sekong, Lào), đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thiên tai bão lũ phức tạp, thường xuyên. 

Vì vậy, để giảm khoảng cách chênh lệch giữa vùng đồng bằng và miền núi sau sáp nhập, đề nghị Trung ương cho chủ trương xây dựng Đề án áp dụng các cơ chế đặc thù để phát triển khu vực miền núi.

Quảng Nam cũng có những hạn chế, với 6 huyện miền núi đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Tỉ lệ hộ nghèo còn cao, thiên tai bão lũ phức tạp, thường xuyên. Hạ tầng còn nhiều tồn tại. Chất lượng đội ngũ cán bộ còn hạn chế, nhất là vùng miền núi, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa nhiều.

“Như vậy, so sánh giữa hai địa phương, ưu thế của địa phương này sẽ hỗ trợ cho địa phương khác. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu, triển khai các mô hình mới, kể cả việc điều chỉnh đơn vị hành chính đã trở thành yêu cầu cấp thiết để mở rộng dư địa tăng trưởng, tái cấu trúc không gian phát triển. Đà Nẵng-Quảng Nam mới phải phát huy tốt hơn tiềm năng, lợi thế vốn có của hai địa phương”, Tổng Bí thư chia sẻ.

Từ đó, Tổng Bí thư nêu một số gợi ý, định hướng xây dựng Đà Nẵng-Quảng Nam mới bảo đảm trở thành cực tăng trưởng của Việt Nam và là một trong những thành phố có năng lực cạnh tranh cao của quốc gia và khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

Sáp nhập tỉnh chuẩn bị cho "tầm nhìn trăm năm"

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ, Đà Nẵng cũng đang đứng trước nhiều thách thức, nền kinh tế vẫn thuộc diện quy mô nhỏ so với cả nước và nhiều địa phương khác. Đà Nẵng cũng chưa có nhiều tập đoàn lớn đầu tư; khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo dù được chú trọng nhưng chưa tạo thành động lực thật sự mạnh mẽ. Cùng đó, vai trò kết nối vùng của Đà Nẵng - đặc biệt với Quảng Nam và các địa phương miền Trung - vẫn chưa được phát huy đầy đủ.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm dự án đầu tư, xây dựng Bến cảng Liên Chiểu

Trong bối cảnh đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh, việc nghiên cứu, triển khai các mô hình phát triển mới, kể cả việc điều chỉnh đơn vị hành chính, trở thành một yêu cầu cấp thiết nhằm mở rộng dư địa tăng trưởng, tái cấu trúc không gian phát triển và bộ máy quản lý cho phù hợp với tầm nhìn dài hạn.

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, chủ trương sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện là một định hướng lớn, mang tầm chiến lược của T.Ư đang được triển khai khẩn trương, kiên quyết, dứt khoát trên cơ sở tham vấn rộng rãi, đặt sự đồng thuận làm nền tảng.

Đây là một cuộc cách mạng, là bước đột phá về thể chế chuẩn bị cho "tầm nhìn trăm năm" phát triển đất nước. Mọi cải cách thể chế đều phải vì lợi ích thiết thực và lâu dài của nhân dân.

Tổng Bí thư nhìn nhận, một chủ trương lớn, mang tính đổi mới thể chế sâu sắc, chắc chắn sẽ tạo ra một số băn khoăn trong cán bộ và nhân dân. Người dân lo mất đi bản sắc văn hóa, tên gọi truyền thống, lo "bị gộp", mất vị thế địa phương, băn khoăn sau sắp xếp dịch vụ công có thuận lợi hơn không; cán bộ lo ngại ảnh hưởng tới công việc, thu nhập, vị trí...

Do vậy, Tổng Bí thư đề nghị các cấp ủy, chính quyền cần giải thích, đối thoại, bảo đảm công việc hành chính vận hành thông suốt, dịch vụ công nhanh chóng, thuận lợi, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính, bảo tồn các tên gọi truyền thống dưới nhiều hình thức khác nhau, xây dựng cơ sở dữ liệu lịch sử - văn hóa… thực hiện đúng chủ trương "cái mới phải tốt hơn cái cũ", "nhân dân phải được phục vụ tốt hơn".

Đà Nẵng - Quảng Nam mới phải trở thành một cực tăng trưởng của Việt Nam

Theo Tổng Bí thư, sắp tới T.Ư và Quốc hội sẽ thảo luận về sáp nhập tỉnh, trong đó dự kiến có khả năng Quảng Nam sẽ nhập với Đà Nẵng. Một Đà Nẵng - Quảng Nam mới phải phát huy tiềm năng và lợi thế vốn có của cả hai địa phương.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Minh Trang

Tổng Bí thư nêu rõ, xây dựng Đà Nẵng - Quảng Nam mới phải trở thành một cực tăng trưởng của Việt Nam, có năng lực cạnh tranh cao của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Một Đà Nẵng - Quảng Nam mới, cần định vị mình không chỉ là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung mà còn thể hiện vai trò tiên phong dẫn dắt các địa phương khác trong quá trình phát triển hiện đại; cần đẩy mạnh tái cấu trúc kinh tế theo hướng nâng cao năng suất lao động và phát huy những tiềm năng, lợi thế; xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, khu thương mại tự do, đô thị biển hiện đại, trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch di sản chất lượng cao…

Quy hoạch tổng thể phải đảm bảo phát triển cân bằng, không để xảy ra tình trạng tập trung quá mức vào Đà Nẵng mà lãng quên tiềm năng quý báu của Quảng Nam.

Tổng Bí thư đề nghị, định hình Đà Nẵng - Quảng Nam mới thành "trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghệ cao và khởi nghiệp quốc gia", tiên phong trong các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế biển; triển khai mô hình "Chính quyền số - Đô thị thông minh - Nền hành chính hiện đại"; tăng cường liên kết vùng - phát triển theo tư duy "không biên giới hành chính" giữa các địa phương.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, sáp nhập không chỉ là thay đổi hành chính mà là cơ hội lịch sử để Quảng Nam và Đà Nẵng cùng nhau xây dựng một trung tâm kinh tế, văn hóa, đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực; cần phát huy thế mạnh đôi bên, cùng quy hoạch tầm nhìn dài hạn, chia sẻ lợi ích, trách nhiệm và khát vọng phát triển - để vùng đất Quảng - Đà thực sự vươn ra biển lớn với vị thế xứng tầm quốc gia và quốc tế.

Tổng Bí thư đề nghị các cơ quan T.Ư, nhất là Quốc hội và Chính phủ, tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa để Đà Nẵng - Quảng Nam mới thực hiện tốt các chủ trương lớn của Đảng, nhất là những đề xuất có tính đột phá về cơ chế tài chính, quy hoạch, tổ chức bộ máy, thử nghiệm các lĩnh vực mới nhằm tạo động lực phát triển không chỉ cho Đà Nẵng - Quảng Nam mới mà cho cả khu vực miền Trung và đất nước.


📌 Lưu ý: Nội dung bài viết chỉ có trên BantinbdsDaNang.com!


Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.